Breaking News

Lam the nao de phat hien cac cong ty “toi” trong buoi phong van

Tuyển Dụng  ) Một công ty không có định hướng rõ ràng hay văn hóa công ty khắc nghiệt luôn là môi trường làm việc không lành mạnh. Do đó, khi đứng trước những trường hợp này, bạn cần rất nhiều cân nhắc để quyết định có nên tiếp nhận công việc hay không? Nhận diện những “công ty tồi” ngay tại buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn đưa ra quyết định chính xác và tránh được rất nhiều rắc rối về sau.

Người tìm việc hỏi
Chào Tìm Việc Nhanh, em là Minh Quân sinh viên năm cuối đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang đi tìm chỗ thực tập ạ. Em đã thử đi phỏng vấn ở 2 chỗ nhưng kết quả không mấy khả quan. Các công ty lúc đăng tuyển và phỏng vấn thì đưa thông tin rất hay và thu hút về vị trí, nhưng khi bắt đầu đi làm thật thì hoàn toàn trái ngược lại. Cho em hỏi rằng có cách nào để phát hiện ra những công ty tồi ngay trong lúc nộp hồ sơ hoặc phỏng vấn trực tiếp để tránh không ạ? Chứ như thế này phải đi làm thật mới vỡ lẽ, mà thời gian thực tập của em thực sự không có nhiều vì còn phải làm khóa luận nữa. Em cảm ơn ạ.

Minh Quân, Hồ Chí Minh

Tìm Việc Nhanh trả lời

Chào Minh Quân, rất vui vì bạn đã có những chia sẻ và gửi đến hòm thư của chuyên mục Tư vấn tìm việc của Tìm Việc Nhanh! Thực ra không chỉ riêng trong kì thực tập, bạn rất dễ dàng gặp phải trường hợp này ngay cả khi đi làm sau này. Tuy nhiên, có một số cách có thể giảm thiểu tối đa rủi ro khi gặp phải công ty không tốt và “có vấn đề” ngay trong cuộc phỏng vấn mà bạn có thể áp dụng. Cùng tìm hiểu với Tìm Việc Nhanh nhé!

1. Đặt câu hỏi mang tính trọng tâm

Trong các cuộc phỏng vấn, bạn sẽ có cơ hội đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Các chuyên gia tuyển dụng gợi ý rằng bạn nên hướng câu hỏi của mình đến các mục tiêu, định hướng, văn hóa công ty, cách thức tuyển dụng và chọn lọc nhân sự nhiều hơn. Bởi vì các câu hỏi này là một cách tiết lộ gián tiếp năng lực công ty bạn đang ứng tuyển. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi: “Các mục tiêu cụ thể của công ty trong những năm tới là gì?” hoặc “Vị trí này đã được tuyển dụng bao lâu rồi?”.

Các chuyên gia cho rằng hầu hết các công ty có công việc kinh doanh không phát triển thường lảng tránh những câu hỏi dạng này hoặc trả lời rất chung chung. Cách trả lời như vậy thường đi kèm với các rắc rối. Bạn cần để ý rằng, nếu nhà tuyển dụng vội vàng chấp nhận hồ sơ của bạn mà không qua nhiều vòng phỏng vấn thì rất có thể vị trí đó đang có vấn đề. Một trường hợp khác, khi nhà tuyển dụng liên tục tuyển dụng một vị trí nhiều lần trong một thời gian ngắn thì cũng có khả năng các nhân viên trước đó đã liên tục nghỉ việc vì một lý do gì đấy.

Đặt câu hỏi thiên về mục tiêu, văn hóa và định hướng công ty


2. Chú ý đến môi trường làm việc

Khi bạn bước vào văn phòng phỏng vấn, hãy để tâm đến cách các nhân viên cư xử và giao tiếp với nhau. Họ có nói chuyện với nhau vui vẻ không, họ có bàn chuyện phỏng vấn một cách sôi nổi không, hoặc họ có chào đón và niềm nở với bạn không. Rất nhiều nhân sự phỏng vấn giao tiếp hời hợt với ứng viên tuyển dụng, họ hoặc là cúi gằm mặt vào hồ sơ, hoặc là sử dụng điện thoại rất bất lịch sự.

Nếu bạn có cảm giác rằng không khí phỏng vấn đang rất căng thẳng, hoặc vị trí của bạn/năng lực của bạn không thật sự được coi trọng, bạn nên có một sự cẩn trọng nhất định với công ty đang ứng tuyển. Một môi trường làm việc chuyên nghiệp luôn có những con người cư xử chuyên nghiệp, nếu người đại diện cho công ty không thể hiện được điều đó thì bạn cũng nên cân nhắc thật kỹ quyết định của mình.

Ngoài ra, hãy chú ý theo dõi cách các nhân viên cư xử với sếp của họ? Nếu họ thoải mái, tự tin trình bày ý kiến, quan điểm của mình với sếp thì cho thấy môi trường làm việc hiện tại lành mạnh. Nếu thiếu đi điều này thì chắc chắn bạn cần cân nhắc kỹ càng hơn các yếu tố khác trước khi quyết định có nhận công việc hay là từ chối.

3. Bạn có phải làm thêm các công việc khác?

Rất nhiều công ty đưa ra các yêu cầu công việc chung chung và khó hiểu, ví dụ như “Đảm nhiệm công tác ABC theo yêu cầu từ cấp trên”, “ABC” ở đây có thể là một vị trí có liên quan nhưng không nằm trong phạm vi công việc của bạn, như công tác thiết kế trong chức năng của một biên tập viên chẳng hạn. Đó có thể là “bẫy” để nhà tuyển dụng khai thác sức lao động của bạn nhiều hơn mức cần thiết, và đây là một hình thức rất phổ biến tại các vị trí công việc cấp thấp. Việc bạn cần làm là hỏi rõ xem các yêu cầu đó cụ thể bao gồm những gì, bạn có cần phải kiêm luôn công tác đó không, và nếu có thì dưới hình thức nào, trách nhiệm gì và trong bao lâu?


Bạn nên hỏi kỹ xem liệu mình có phải làm thêm các công việc khác không?

4. Người phỏng vấn không quan tâm đến hồ sơ của bạn

Một dấu hiệu khác là người phỏng vấn không nhìn vào hồ sơ của bạn trước khi bạn đến hoặc đặt câu hỏi được liệt kê rõ ràng trong bản lý lịch của bạn. Thậm chí, họ còn đọc sai tên của bạn. Điều đó cho thấy có thể họ chỉ muốn nhanh chóng tìm người thay thế mà không quan tâm đến chất lượng ứng viên hoặc họ thuê bạn với mục đích khác. Hãy cảnh giác với những điều diễn ra một cách quá dễ dàng bởi cái gì đến dễ thì cũng sẽ nhanh chóng ra đi mà thôi.

Có thể bạn không có quá nhiều kinh nghiệm làm việc hoặc kỹ năng chuyên môn cao, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn buộc phải làm việc tại các công ty tồi, với các mục tiêu, định hướng không rõ ràng và văn hóa công ty thì bết bát. Hy vọng rằng bạn sẽ áp dụng được các cách xử lý khôn khéo nhất để tìm được một môi trường làm việc phù hợp cho mình nhé.